10 điều cần biết khi mua Cà Phê

Nếu bắt đầu con đường pha chế tại nhà để uống thì một việc không thể thiếu đó là mua cà phê. Và nếu như chưa có nhiều kinh nghiệm về cà phê, có lẽ bạn sẽ cực kỳ bối rối khi lựa chọn cà phê cho riêng mình. Cũng như khi mua sắm những hàng hóa khác, có những nguyên tắc chung mà chúng ta cần nắm để mua được cà phê phù hợp. Một trong những nguyên tắc đó là bạn cần phải biết và hiểu rõ những thông tin cơ bản nhưng rất quan trọng trên bao bì cà phê. Mình nhấn mạnh là cần hiểu rõ những thông tin đó để có thể mua được loại cà phê bạn thích và phù hợp với bạn. Sau đây là 10 điều cần biết khi mua cà phê:

1. Tên sản phẩm (Coffee Name)

Tên sản phẩm là tên các dòng cà phê khác nhau của cùng 1 thương hiệu và thường thể hiện rõ tính chất nổi bật nhất của dòng cà phê đó.

Ví dụ:

“Sành điệu”, “truyền thống”, “Di sản”, “Moka” đều là cà phê của Highland nhưng “Truyền thống” là loại đang được pha chế bán tại Highland, còn “Moka” là loại có tỉ lệ Arabica (khoảng 35%) cao hơn các loại khác.

Một ví dụ khác:

“Origin Espresso Blend” của Shin Coffee,  tên sản phẩm này cho biết đây là loại cà phê rang mộc, phối trộn giữa Robusta và Arabica, dùng để pha Espresso

2. Quốc gia / Vùng trồng (Country / Region / Farm – Cooperative – Producer)

2_điều cần biết khi mua cà phê

Các loại cà phê được bán đi khắp thế giới thường in kèm thông tin này trên bao bì. Nó không chỉ mô tả về xuất xứ hàng hóa mà còn thể hiện tính chất đặc trưng của loại cà phê đó.  Có một số vùng trồng cà phê lớn và nổi tiếng thế giới như là Ethiopia, Guatemala, Việt Nam,… Cà phê ở mỗi vùng này đều có hương vị rất đặt trưng.

Đặc trưng của cà phê từ Ethiopia là có vị cam chanh (citrus), hương hoa (floral).

Đặc trưng của cà phê Việt Nam, Guatemala là có vị hạt (nutty), sô-cô-la (chocolate).

Trong một số trường hợp, thông tin này sẽ được ghi chi tiết hơn. Ví dụ như các vùng trồng nổi tiếng của Ethiopia là Yirgacheffe, Harrar và Sidamo. Hay Lạc Dương, Cầu đất của Việt Nam.

3. Độ cao (Elevation / Altitude)

Thông tin về độ cao vùng trồng cà phê cũng cho biết hương vị khi uống. Chẳng hạn với Arabica, trồng càng cao (trên 1500 mét so với mực nước biển) thì càng chua và hương vị càng đa dạng. Độ cao dưới 1300m thường có hương vị đơn giản như vị hạt (Nutty).

4. Hương vị (Flavor / Tast note)

Thông tin này thường được in ấn trên các bao bì chứa cà phê đặc sản (specialty) vì loại này thường có hương phong phú, đa dạng. Tuy nhiên có một lưu ý là khả năng cảm nhận mùi hương của mỗi người là khác nhau nên thông tin này cũng mang tính chất tương đối. Bạn nên trực tiếp trải nghiệm để cảm nhận mùi hương được chính xác nhất.

Ví dụ: Hạt Kenya của Drift Away có note: grapefruit, jasmine, juicy và peach

5. Giống  / Chủng loại (Varietals / Species)

Chủng loại bao gồm 2 loại chính là Arabica và Robusta. Tên hai loại này thì đã quá quen thuộc với đa số người dùng. Arabica thường chua và ít đắng hơn Robusta. Hương vị của Arabica cũng đa dạng, phong phú hơn Robusta.

Còn giống là thông tin chi tiết hơn như Typica, Bourbon, Catuai, Pacamara.

Trong giống cà phê, người ta còn nhắc đến khái niệm “Single Origin” có nghĩa là trong gói cà phê chỉ có một loại duy nhất. Còn “Mixed” hoặc Blend nghĩa là gói cà phê chứa nhiều loại cà phê phối trộn với nhau.

Ngoài ra, ở góc độ cà phê thế giới, “Single Origin” còn được hiểu là đại diện cho 1 giống hạt, một vùng trồng trọt, một trang trại, một hợp tác xã cà phê. Chẳng hạn như cà phê từ làng K’ho của Việt Nam có thể gọi là Single Origin, vì cà phê ở đây có những đặc trưng mà những nơi khác không có được.

6. Độ rang (Roast Level / Profile)

Thông tin này cho biết về mức độ rang hạt cà phê. Rang nhạt (light roast) có nghĩa là cà phê sẽ chua, ít đắng. Nếu rang đậm (dark roast) cà phê sẽ không chua và rất đắng. Các loại cà phê đang bán phổ biến ở các quán cà phê Việt Nam phần lớn đều rang đậm do gu khách hàng quen gu đắng.

Và trong tư tưởng của người dùng Việt Nam, cà phê là phải đắng, không đắng, không phải là cà phê. Cho nên, nếu bạn nào có mở cửa hàng bán cà phê thì nên lưu ý yếu tố này.

Ngoài Light roast, Dark roast, người ta còn có nhiều độ rang nằm khoảng giữa 2 mức này, ví dụ như rang vừa (medium roast) và rang vàng (full roast)

7. Kiểu sơ chế (Process)

Có nhiều kiểu sơ chế như: Honey, Pulp Natural, semi-washed, wet hulling. Cùng một loại cà phê nhưng cách sơ chế khác nhau sẽ cho ra hương vị hoàn toàn khác nhau.

Sơ chế khô (Natural) là cà phê sau khi được thu hoạch sẽ được mang đi rửa và loại bỏ tạp chất trước khi rải thưa để phơi khô trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời.

Còn sơ chế ướt (wash/wet) nghĩa là một quy trình chế biến cà phê bao gồm các công đoạn:

  1. Tách đi vỏ quả
  2. Ngâm ủ cho chất nhầy tự lên men rồi phân rã
  3. Cuối cùng là phơi sấy để thu được cà phê

Phương pháp này thường phổ biến tại các quốc gia chuyên canh tác các giống Arabica có phẩm chất cao ở khu vực Trung & Nam Mỹ, hay Đông Phi.

Sơ chế khô, thường sẽ cho body dày và ít chua hơn. Trong khi đó, sơ chế ướt cho vị chua đa dạng và khi uống sẽ “clean” hơn.

8. Kiểu pha (Roast for / Brewing / Use for)

Cà phê dùng cho pha phin hay Pour Over hay Espresso. Và kiểu pha này cũng thường tương ứng với thông tin về độ rang

9. Ngày rang hay ngày đóng gói (Roasted day / Roasted on)

Đây là thông tin bạn cần hết sức lưu ý, và nên chọn theo nguyên tắc, cà phê càng mới càng tốt. Nhưng mới quá cũng không tốt vì trong cà phê còn chứa khí gas (CO2), sẽ ảnh hưởng đến hương vị khi uống. CO2 sẽ gâytê các tế bào vị giác trong lưỡi nên sẽ giảm đi đáng kể cảm nhận cà phê của bạn. Để dễ hiểu thì điều này giống như khi các bạn uống các loại đồ uống có gas vậy. Khí gas trong đồ uống sẽ gây tê các tế bào và làm giảm độ nhạy vị giác của bạn lại, từ đó sẽ làm cho bạn đỡ ngấy nếu như đang ăn các đồ ăn dầu mỡ.

Cà phê sau khi rang 7-10 ngày sẽ thích hợp với pha espresso vì có đủ thời gian để cà phê phát triển hương vị đầy đủ. Nếu pha Drip thì có thể sớm hơn.

10. Story

story coffee

Câu chuyện về địa lý, khu vườn, thổ nhưỡng, loại hạt, khí hậu, cách sơ chế và đôi khi là một câu chuyện thú vị nào đó về loại cà phê bạn đang thưởng thức.

Mình vừa chia sẻ 10 điều cơ bản cần biết khi mua cà phê.

Chúc các bạn chọn được cà phê mình thích. Và bạn có thể cho biết bạn hay dùng loại cà phê nào không, vui lòng chia sẻ thêm ở phần comment bên dưới nhé.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *